0:0 Thứ sáu, Ngày 19 Tháng 4 Năm 2024
Gửi cho bạn bè

Tài liệu sinh hoạt chi đoàn tháng 02/2020
Tài liệu sinh hoạt chi đoàn tháng 02/2020

Ngày Đăng: 03/02/2020, Lượt Xem: 3494

TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI ĐOÀN THÁNG 2

NĂM 2020

----------

HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

CÂU CHUYỆN VỀ CUỐN SỔ TIẾT KIỆM CỦA BÁC

 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm chăm sóc và những tình cảm yêu thương cho cán bộ và chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, những người đang ngày đêm phải chịu nhiều khó khăn, gian khổ để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nền độc lập của dân tộc.

Tình cảm và sự quan tâm chăm sóc của Bác được thể hiện qua từng bức điện, thư, từng lời dạy bảo ân cần, tỉ mỉ, cụ thể nhưng cũng rất sâu sắc. Hay qua những lần Bác đến tận nơi thăm nơi ăn, chốn ở, quan tâm đời sống… của các đơn vị bộ đội, thăm nơi điều dưỡng của thương bệnh binh. Ở đâu Bác cũng thân tình và nồng hậu như một người cha.

Tình cảm đó còn được thể hiện cả ở trong những món quà bất ngờ Bác dành gửi tặng các chiến sĩ, như câu chuyện được ghi lại dưới đây:

Thủ đô Hà Nội những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5 năm 1967, chiến tranh ngày càng ác liệt, đế quốc Mỹ không chỉ đánh phá miền Bắc, chúng còn định đưa miền Bắc Việt Nam “quay lại thời kỳ đồ đá”. Không sợ Mỹ, quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ, những trận chiến đấu xuất sắc của quân dân là những chiến công dâng tặng nhân dịp Bác tròn 77 tuổi. Khi ấy, mỗi khi nghe đồng chí Vũ Kỳ - Thư ký của Bác báo cáo, hoặc khi xem báo, nghe đài về những chiến công, Bác thường gửi tặng lẵng hoa cho bộ đội phòng không- không quân và gửi thư khen quân dân thủ đô. Người theo dõi chặt chẽ những bước leo thang, những bước phiêu lưu quân sự mới của không quân Mỹ, đồng thời cũng quan tâm sâu sát tình hình sơ tán của nhân dân ở Hà Nội, Hải Phòng và tình hình trực gác, sẵn sàng chiến đấu của bộ đội phòng không - không quân trong dịp hè nóng nực…

Riêng đối với bản thân, dù trời nóng nực, Bác vẫn không có thói quen dùng quạt điện, Người chỉ dùng chiếc quạt giấy tự quạt cho mình. Có nhiều khi đồng chí Vũ Kỳ vì thương Bác quá, đề nghị dùng quạt điện và máy điều hoà, Bác gạt đi ngay, và nhắc đến những người chiến sĩ đang phải chịu cái oi, cái nóng ngoài trận địa.

Những hôm trời oi bức, Bác nhiều lần nhìn lên sân thượng nhà Hội trường Ba Đình và sau nhiều lần đắn đo, lượng sức mình không thể đi lên sân thượng thăm các chiến sĩ, Bác nói với đồng chí Vũ Kỳ: “Nắng nóng thế này, các chú bộ đội trực phòng không trên nóc Hội trường Ba Đình thì sao chịu được? Các chú ấy có đủ nước uống không? Chú thử lên tìm hiểu xem thế nào, về cho Bác biết”.

Làm theo lời Bác, đồng chí Vũ Kỳ leo lên và biết được trên đó chỉ có một ụ cát sơ sài, vừa nguy hiểm, trời lại nắng chói, mặt bê tông hấp nắng, tỏa hơi nóng hầm hập, chẳng có gì có thể làm dịu cái nóng như thiêu như đốt. Chỉ đứng một lúc đồng chí Vũ Kỳ đã thấy hoa cả mắt. Đồng chí Vũ Kỳ liền hỏi: Các đồng chí có nước ngọt uống không? Nước chè thường còn chưa có, lấy đâu ra nước ngọt, anh em trả lời.

Sau khi về, nghe đồng chí Vũ Kỳ báo cáo lại “những điều đã thấy” Bác gọi điện ngay cho đồng chí Văn Tiến Dũng nhắc nhở: “Sao các chú không lo đủ nước uống cho các chiến sĩ trực phòng không? Nghe nói ụ súng trên nóc hội trường rất sơ sài, chú phải lo sửa ngay để đảm bảo an toàn cho chiến sĩ trong chiến đấu!”

Ngồi lặng một lúc, Bác bảo đồng chí Vũ Kỳ đi lấy sổ tiết kiệm, xem tiền của Người còn bao nhiêu? Cuốn sổ tiết kiệm đó đứng tên đồng chí Lê Hữu Lập, nguyên cán bộ Văn phòng Phủ Chủ tịch (từ năm 1958 đến 1969) được gửi ở quầy tiết kiệm phố Hàng Gai, Hà Nội. Đồng chí Lập là người lo nhiều việc chi tiêu của Bác do chính Bác giao quyển sổ tiết kiệm này. Sau khi xem, đồng chí Vũ Kỳ báo cáo: Thưa Bác, còn lại tất cả hơn 25.000 đồng (món tiền đó khi ấy rất lớn, tương đương với khoảng 60 lượng vàng).

Sau đó, Bác nói: “Chú chuyển số tiền ấy sang Bộ Quốc phòng và nói: “Bác tặng số tiền đó cho các chú bộ đội phòng không Hà Nội để có thêm nước giải khát trong những ngày nắng nôi”. Và ngày 11/7/1967, đồng chí Lê Hữu Lập đã ra Quỹ tiết kiệm số 1, Chi nhánh Hoàn Kiếm rút 25.000 đồng (bản thống kê thanh toán tiền gủi tiết kiệm ghi rõ từng mục gửi, số lãi, theo tài khoản: Ông Vũ Văn Thêm, 732-10 Ngân hàng Hoàn Kiếm, ngày 11/7/1967). Số tiền đó được chuyển cho mục người nhận: Quân uỷ Trung ương, mục lý do chi ghi rõ: Bác tặng cho bộ đội phòng không, và mục số tiền chi: 25.000 đ (phiếu chi tiền số 11, Phủ Thủ tướng, ngày 11/7/1967).

Nhận được quà tặng của Bác, ngày 23/9/1967, đồng chí Đặng Tính đã thay mặt toàn thể cán bộ và chiến sĩ bộ đội Phòng không viết thư gửi đến Bác. Trong bức thư đó, đồng chí viết: “Lòng yêu thương không bờ bến và sự ân cần chăm sóc của Bác làm cho toàn thể cán bộ và chiến sĩ thuộc bộ đội phòng không rất vui mừng và cảm động… Với tinh thần đoàn kết thương yêu nhau, tất cả số tiền Bác gửi cho, chúng cháu đã nhường để anh em ở các đơn vị chiến đấu vất vả hơn dùng để ăn uống bồi dưỡng thêm sức khoẻ”. Thư cũng viết tiếp, “việc Bác gửi cho tiền tiết kiệm là động viên cổ vũ rất lớn, vì vậy, nhân dịp này, bộ đội Phòng không đã phát động một tuần lễ thi đua lập thành tích dâng lên Bác, học tập sâu sắc thêm về đạo đức cần, kiệm, liêm chính, tác phong cách mạng và quan điểm yêu thương quần chúng của Bác… ra sức nâng cao sức mạnh chiến đấu về mọi mặt để biết đánh giỏi, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, bắt sống và tiêu diệt nhiều giặc Mỹ lái máy bay hơn nữa, thực hiện kỳ được mong ước của Bác và cũng là của chúng cháu là: đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược để bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, làm tròn nhiệm vụ quốc tế”.

Số tiền từ quyển sổ tiết kiệm của vị Chủ tịch nước và tấm phiếu chi tiền số 11 gửi tặng bộ đội phòng không đã động viên rất nhiều tinh thần của các cán bộ và chiến sĩ. Đáp lại tình cảm và tấm lòng yêu thương của Bác, thực hiện lời hứa với Bác, cán bộ và chiến sĩ quân chủng Phòng không - Không quân đã đạt nhiều thành tích trong chiến đấu, rèn luyện và học tập, làm nên trận Điện Biên Phủ trên không 12 ngày đêm năm 1972 góp phần đánh bại ý chí xâm lược của kẻ thù, tiến đến giải phóng hoàn toàn miền Nam, thu non sông về một mối.

Nguồn: tinhdoandaknong.org.vn

THEO DÒNG LỊCH SỬ -  NGÀY NÀY NĂM ẤY

+ 03/02/1930: Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

+ 07/02/1418: Ngày Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa Lam Sơn.

+ 09/02/1907: Ngày sinh đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh.

+ 15/02/1943: Ngày mất anh Kim Đồng - Người đội viên đầu tiên của Đội Nhi đồng cứu quốc (tiền thân của Đội TNTP Hồ Chí Minh).

+ 17/02/1979: Cuộc chiến đấu bảo vệ Biên giới phía Bắc.

+ 27/02/1955: Ngày Thầy thuốc Việt Nam.

 

03/02/1930: NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

Sau chiến tranh thế giới lần thứ I, đế quốc Pháp lại đẩy mạnh khai thác thuộc địa Đông Dương. Xã hội Việt Nam tiếp tục phân hóa sâu sắc. Giai cấp nông dân bị phá sản khốc liệt. Giai cấp tư sản dân tộc sinh sau đẻ muộn, bộc lộ sự non yếu về mọi mặt. Một bộ phận giai cấp tiểu tư sản toan phất ngọn cờ tư tưởng tư sản để tập hợp quần chúng xung quanh Việt Nam Quốc dân Đảng (thành lập tháng 12-1927). Nhưng vì bất lực cho nên sau cuộc bạo động non ở Yên Bái (đầu năm 1930) tổ chức đó tan rã, và ngọn cờ phản đế, phản phong, ngọn cờ giải phóng dân tộc chuyển hẳn về tay giai cấp vô sản.

Yêu cầu khách quan lúc này là giai cấp công nhân phải được tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin để trở thành giai cấp "Tự giác" vươn lên đảm nhiệm sứ mệnh lịch sử lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Đó cũng là lúc đồng chí Nguyễn Ái Quốc, tiêu biểu cho tinh thần yêu nước và cách mạng Việt Nam tìm gặp chân lý của thời đại mới.

Năm 1917, cách mạng Tháng Mười Nga thành công. Tháng 12-1920, tại Đại hội Tua, đồng chí Nguyễn Ái Quốc tham gia thành lập Đảng cộng sản Pháp và đồng thời là người cộng sản Việt Nam đầu tiên.

Sớm nhận thấy vai trò lịch sử của giai cấp công nhân, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã đem hết tinh thần và nghị lực truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin, chuẩn bị về chính trị và tư tưởng cho sự ra đời của Chính Đảng vô sản ở Việt Nam. Hàng loạt bài viết của Người đăng trên các báo và tạp chí Người cùng khổ, Nhân đạo, Đời sống công nhân và cuốn sách nổi tiếng Bản án chế độ thực dân Pháp, trong suốt thời gian từ 1921-1926 đã chọc thủng tấm lưới thép của thực dân Pháp, được chuyển về Việt Nam, lôi cuốn đặc biệt những người cách mạng trẻ tuổi đầy nhiệt huyết ở nước ta đang khao khát con đường mới.

Tháng 12-1924, sau khi dự đại hội lần thứ năm Quốc tế Cộng sản, với bí danh là Lý Thụy, Người về Quảng Châu, điểm nóng của cách mạng Trung Quốc, và làm việc dưới danh nghĩa của phái bộ Bô-rô-đin, cố vấn Liên - Xô bên cạnh chính phủ Quốc Dân Đảng Trung Hoa.

Chính ở đây, ngày 19-6-1924, liệt sĩ Phạm Hồng Thái đã ném bom khách sạn Victory ở Sa-diện nhằm giết tên toàn quyền Méc-lanh trên đường công cán đang dự tiệc. Việc không thành, nhưng tấm gương của người anh hùng trên sông Châu như "chim én báo hiệu mùa xuân".

Tháng 6-1925, trên cơ sở tổ chức yêu nước của Phan Bội Châu và Tâm Tâm Xã, đồng chí Nguyễn Ái Quốc thành lập tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội, trong đó hạt nhân là Cộng sản Đoàn (lúc đầu có 7 người, cuối 1926 đã có 24 người, tiêu biểu như Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong...). Nhiều lớp huấn luyện chính trị được mở tại Quảng Châu để đào tạo cán bộ tung về nước hoạt động. Tuần báo Thanh niên từ tháng 6-1926 và đặc việt cuốn Đường cách mạng (xuất bản năm 1927) đã đề cập đến những vấn đề chiến lược và sách lược của cách mạng Việt Nam được bí mật đưa về nước góp phần tích cực vào việc truyền bá tư tưởng xã hội chủ nghĩa ở trong nước.

Từ sau cuộc bãi công Ba Son (8-1925), phong trào công nhân đã vượt qua giai đoạn tự phát, bước vào giai đoạn tự giác. Đặc biệt từ mùa xuân 1928, thực hiện chủ trương vô sản hóa, các hội viên của Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội đã vào nhà máy, hầm mỏ, đồn điền để tuyên truyền và tổ chức công nhân. Địch phải thú nhận: năm 1929 có tới 43 cuộc bãi công lớn. Phong trào công nhân trên thực tế đã trở thành lực lượng chính trị nòng cốt cho phong trào giải phóng dân tộc.

Trong khi đó, phong trào yêu nước và dân chủ của tiểu tư sản sau thời kỳ phát triển bồng bột (như đòi tha cụ Phan Bội Châu tháng 12-1925, đám tang cụ Phan Chu Trinh tháng 3-1926)... đã dần dần thể hiện sự bất lực của tư tưởng tư sản và tiểu tư sản.

Phong trào Quốc gia cải lương, tiêu biểu là đảng Lập Hiến của Bùi Quang Chiêu, Nguyễn Phan Long cũng đã từng bước đi vào con đường phản bội dân tộc, làm tay sai cho đế quốc.

Tình hình đó đòi hỏi cấp bách sự lãnh đạo của một Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân. Trong nội bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội, từ đầu 1929 đã diễn ra cuộc đấu tranh gay gắt giữa quan điểm vô sản và quan điểm tiểu tư sản xung quanh vấn đề thành lập Đảng cộng sản ở Việt Nam. Tư tưởng vô sản đã chiến thắng.

Tháng 3-1929, tại số nhà 5D phố Hàm Long (Hà Nội) Chi bộ cộng sản đầu tiên ra đời gồm 8 đồng chí: Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Trần Văn Cung, Trịnh Đình Cửu... Đầu tháng 6-1929, tại số nhà 312 phố Khâm Thiên (Hà Nội) 20 đại biểu Cộng sản Bắc Kỳ quyết định lập Đông Dương Cộng Sản Đảng. Mấy tháng sau, An nam Cộng sản Đảng ra đời tại Nam Kỳ (10-1929). Dưới ảnh hưởng của những sự kiện ấy, một tổ chức yêu nước, tiến bộ, thành lập ở Trung Kỳ giữa năm 1925, lấy tên là Tân Việt cách mạng Đảng, sau lại đổi tên là Đông Dương Cộng sản Liên đoàn (1-1930).

Như thế là đầu năm 1930 ở nước ta có 3 tổ chức đều tự nhận là cộng sản và đều tìm cách tranh thủ sự thừa nhận của Quốc tế Cộng sản. Trong khi tuyên truyền vận động quần chúng, ba tổ chức không khỏi công kích, tranh giành ảnh hưởng trong quần chúng.

Ngày 27-10-1929, Ban chấp hành Quốc tế cộng sản chỉ thị: "Nhiệm vụ quan trọng nhất và cấp bách nhất của tất cả những người cộng sản Đông Dương là thành lập một Đảng cách mạng có tính chất giai cấp của giai cấp vô sản, nghĩa là một Đảng cộng sản có tính quần chúng ở Đông Dương. Đảng đó phải chỉ có một và là tổ chức cộng sản duy nhất ở Đông Dương".

Ngày 3-2-1930 (mùng 5 tết Canh Ngọ) công nhân Phú Riềng chiếm đồn điền trong một ngày - Ngày Tự Do đầu tiên! Cũng ngày đấy, đồng chí Nguyễn Ái Quốc với bí danh là Vương, thay mặt Quốc tế cộng sản chủ trì hội nghị thống nhất Đảng tại một ngôi nhà nhỏ xóm lao động thuộc Cửu Long gần Hương Cảng (Trung Quốc) gồm đồng chí Vương (Bác Hồ), đại biểu Đông Dương Cộng Sản Đảng (Nguyễn Đức Cảnh, Trịnh Đình Cửu), đại biểu An Nam Cộng Sản Đảng (Châu Văn Liêm và Nguyễn Thiệu). Tân Việt mới chuyển thành cộng sản không kịp cử đại diện.

Thế là Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Hôm ấy, chính cương và sách lược vắn tắt do đồng chí Nguyễn Ái Quốc thảo cùng với Điều lệ đảng được thông qua. Hội nghị còn cử Ban Trung Ương lâm thời đại diện cho 211 Đảng viên của toàn Đảng.

Đảng ta ra đời là kết quả tất yếu của sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lê-nin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước của dân tộc vào cuối những năm 20 của thế kỷ này. Đảng ta ra đời là một bước ngoặc vĩ đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Đảng ta ra đời là sự chuẩn bị tất yếu đầu tiên cho thời kỳ vùng dậy oanh liệt nhất và bước nhảy vọt vĩ đại nhất trong lịch sử tiến hòa của dân tộc Việt Nam.

Tháng 10-1930, tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ nhất, cùng với việc thông qua bản Luận cương Chính trị do đồng chí Trần Phú, Tổng bí thư đầu tiên của Đảng khởi thảo, Đảng ta mang tên mới là Đảng Cộng sản Đông Dương. Ngay lúc đó, Đảng ta đã lãnh đạo cao trào 30-31 mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Tháng 3-1935, sau cuộc khủng bố trắng của thực dân Pháp, tại Ma Cao (tô giới Bồ Đào Nha trên đất Trung Quốc) Đại hội lần thứ nhất của Đảng đã họp để chuẩn bị cho một cao trào mới.

Tháng 8-1945 chỉ với 5.000 đảng viên, Đảng ta đã lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám thành công, mở ra kỷ nguyên độc lập tự do ở nước ta. Đó là kết quả vĩ đại của cả quá trình 15 năm đấu tranh kể từ khi Đảng ta ra đời (1930-1945).

Tiếp đó, Đảng ta lại lãnh đạo thành công cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp xâm lược (1946 - 1954). Đảng ta ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Tháng 2-1951, tại khu rừng thuộc xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai của Đảng đã họp, nhằm đưa công cuộc Kháng chiến - Kiến quốc đến thắng lợi.

Ngày 3-3-1951, Đảng ta ra hoạt động công khai với tên mới là Đảng Lao Động Việt Nam, tổng số đảng viên đã lên đến 76 vạn đồng chí. Giai đoạn 1954-1975 Đảng ta tiếp tục lãnh đạo dân tộc Việt Nam trong cuộc chiến đấu đầy gian khổ nhưng vô cùng oanh liệt chống Mỹ, cứu nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã đồng thời giương cao hai ngọn cờ Độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội. Qua cuộc đấu tranh vĩ đại ấy, lực lượng của Đảng lớn mạnh hơn bao giờ hết, vượt qua mọi thử thách hy sinh, thực sự là lực lượng tiên phong của cách mạng.

Tháng 9-1960, tại thủ đô Hà Nội, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ ba, đại hội xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà đã khai mạc trọng thể. Đại hội đã nhất trí thông qua đường lối đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

Sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại thành công, tháng 12-1976, trong không khí phấn khởi của đất nước vừa thống nhất, Đại hội Đảng lần thứ IV đã họp, nhằm vạch ra con đường đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Với đội ngũ trùng điệp 1 triệu 50 vạn đảng viên, Đảng ta trở lại với cái tên buổi đầu của mình là Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong quang vinh của giai cấp và dân tộc, chuẩn bị đưa Tổ quốc ta đi tới những thắng lợi huy hoàng hơn nữa.

Nguồn:  lichsuvietnam.vn

SỔ TAY NGHIỆP VỤ

Trong tài liệu sinh hoạt chi Đoàn số tháng 2 năm 2020, chúng tôi xin gửi đến các bạn đoàn viên thanh niên, tổ chức Đoàn trên địa bàn tỉnh Hướng dẫn kết nạp đoàn viên mới “Lớp đoàn viên 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam”:

Thực hiện Hướng dẫn số 36-HD/TWĐTN-BTC, ngày 05/11/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh về Hướng dẫn kết nạp đoàn viên mới “Lớp đoàn viên 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; nhằm tiếp tục bồi dưỡng thanh niên ưu tú vào Đoàn và nâng cao chất lượng đoàn viên mới, thiết thực kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam (03/02/1930-03/02/2020), Ban Thường vụ Tỉnh đoàn hướng dẫn kết nạp đoàn viên mới “Lớp đoàn viên 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam”, như sau:

1. Tạo nguồn kết nạp đoàn viên

- Phân công đoàn viên giúp đỡ thanh niên, đội viên trưởng thành vào Đoàn.Phải coi trọng chất lượng đoàn viên hơn số lượng kết nạp đoàn viên mới. Chi đoàn, Đoàn cơ sở định kỳ tiến hành rà soát, phân loại, đánh giá, lựa chọn những thanh niên tiên tiến, đội viên trưởng thành, đảm bảo tiêu chuẩn của người được kết nạp vào Đoàn.

- Nâng cao chất lượng các hoạt động, phong trào của Đoàn, Hội, Đội, nhằm tạo điều kiện, môi trường cho thanh niên, đội viên tham gia, rèn luyện, cống hiến và trưởng thành; qua đó, lựa chọn bồi dưỡng những thanh niên tiên tiến, đội viên trưởng thành để kết nạp "Lớp đoàn viên 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam".

- Chú trọng tạo nguồn phát triển đoàn viên mới trong các khối đối tượng:

+ Khối trường học: Tạo nguồn từ những đội viên trưởng thành tham gia các phong trào của Đoàn như “Học sinh 3 rèn luyện”, “Học sinh 3 tốt”,…+ Khối địa bàn dân cư: Tạo nguồn từ những thanh niên tiêu biểu là thủ lĩnh các CLB đội, nhóm; thanh niên làm kinh tếgiỏi,…

+ Khối doanh nghiệp: Chú trọng đối tượng là thanh niên công nhân; tạo nguồn từ những thanh niên tiêu biểu tham gia các phong trào như “Tuổi trẻ sáng tạo”, “4 nhất”; các cuộc thi như “Người thợ trẻ giỏi”,…

- Thực hiện tốt chủ trương “1+1”, mỗi đoàn viên giới thiệu được ít nhất 1 thanh niên tham gia Đoàn, Hội; phát huy vai trò cán bộ đoàn, đoàn viên là Đảng viên trẻ trong việc thu hút, tập hợp, đoàn kết thanhniên.

2. Tiếp tục đổi mới hình thức bồi dưỡng kiến thức về Đoàn cho thanh niên, đội viên chuẩn bị kết nạp

Biên tập tài liệu bồi dưỡng kiến thức về Đoàn để thanh niên, đội viên học tập, nghiên cứu dưới nhiều hình thức; khuyến khích thiết kế các tài liệu sinh động, nội dung dễ hiểu, có sức thu hút; có thể đăng tải trên các website, mạng xã hội của các địa phương, đơn vị…. Nguồn tài liệu gồm: “3 bài học bồi dưỡng nhận thức về Đoàn cho thanh niên tiên tiến”, “Điều lệ, Hướng dẫn thực hiện Điều lệ Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh”, “Cẩm nang bồi dưỡng thanh niên vào Đoàn”, “Bác Hồ với thanh niên”, tấm gương những anh hùng là đoàn viên qua các thời kỳ,…

- Đối với việc tổ chức lớp học tìm hiểu về Đoàn (cảm tình Đoàn) cho thanh niên tiên tiến, đội viên trưởng thành: Các cơ sở Đoàn cần lưu ý tăng cường nội dung đối với chuyên đề về lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam gắn với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Cần lựa chọn báo cáo viên là cán bộ đoàn có kiến thức thực tiễn, hiểu biết về Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và có phương pháp truyền đạt tốt.

- Những đơn vị có địa bàn khó khăn, đặc thù không có điều kiện tổ chức lớp tập trung thì có hình thức phù hợp để thanh niên, đội viên trưởng thành đủ tuổi kết nạp tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu sau đó kiểm tra, đánh giá bằng phương pháp thi trắc nghiệm kiến thức, viết bài thu hoạch trước khi xét kếtnạp.

- Đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá nhận thức của thanh niên, đội viên trưởng thành sau các lớp học bồi dưỡng theo hướng đơn giản, nghiêm túc, khoa học; khuyến khích nội dung đánh giá kiến thức gồm các phần hiểu biết cơ bản về Đoàn Thanh niên, về Đảng Cộng sản Việt Nam và nhận thức của thanh niên nếu được kết nạp vàoĐoàn.

- Đa dạng hóa các hình thức tìm hiểu kiến thức về Đoàn, về Đảng cho thanh niên, đội viên trên cơ sở đảm bảo chất lượng, hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng. Khuyến khích tổ chức cho thanh niên tiên tiến, đội viên trưởng thành gặp gỡ, đối thoại với các Đảng viên lão thành cách mạng, để giúp thanh niên, đội viên hiểu hơn về lịch sử hào hùng của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tổ chức các hoạt động gặp mặt giữa Ban Thường vụ Đoàn cấp trên với thanh niên tiên tiến, đội viên trưởng thành có nguyện vọng trở thành đoàn viên Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, tập trung nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và chiều hướng phát triển của thanh niên…

3. Thực hiện nghiêm túc tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục kết nạp Đoàn viên

- Các huyện, thị đoàn chỉ đạo các cơ sở đoàn tiến hành đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục kết nạp đoàn viên mới tại Điều 1, Khoản 2, 3 về kết nạp đoàn viên theo Hướng dẫn thực hiện Điều lệ Đoàn Khóa XI, của Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, trong đó quan tâm một số nội dung sau:

3.1. Tiêu chuẩn kết nạp

- Thực hiện đúng theo hướng dẫn tại mục 1.1, Hướng dẫn thực hiện Điều lệ Đoàn khóa XI. Chỉ kết nạp những đội viên, thanh niên tiên tiến, có thành tích xuất sắc trong công tác học tập, lao động, sản xuất, nghiên cứu… tối thiểu có trình độ tiểu học. Đối với học sinh phổ thông, chỉ kết nạp đối với những học sinh có học lực khá trở lên và có hạnh kiểm tốt. Riêng đối với thanh niên đang sinh sống ở miền núi,biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn thì có thể vận dụng linh hoạt.

3.2. Quy trình, thủ tục kết nạp

  • - Chi đoàn và Đoàn cơ sở tiến hành khảo sát nắm bắt tình hình và lập danh sách thanh niên và đội viên đủ tiêu chuẩn kết nạpđoàn.
  • - Chi đoàn phân công đoàn viên giúp đỡ, hướng dẫn đối tượng Đoàn trong quá trình xem xét kết nạp Đoàn; hướng dẫn thanh niên tự khai lý lịch và viết đơn xin vào Đoàn ; hướng dẫn ghi đầy đủ, chính xác thông tin trong Sổ đoàn viên.
  • - Về thời gian, địa điểm, công tác tổ chức kết nạp: Lễ kết nạp đoàn viên mới phải do chi đoàn tổ chức; đảm bảo tính trang trọng, tạo ấn tượng tốt, khơi dậy niềm vinh dự, tự hào đối với đoàn viên mới được kết nạp. Khuyến khíchchi đoàn tổ chức Lễ kết nạp đoàn viên mới tại những địa điểm có ý nghĩa lịch sử,có giá trị giáo dục như: phòng truyền thống Đoàn, Đảng; các khu di tích lịch sử của Đảng bộ, Đoàn các cấp; các địa chỉ đỏ truyền thống…Có thể tổ chức trao thẻ đoàn viên cho lớp đoànviên 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam trong các hoạt động phong trào phù hợp khác.
  • Lưu ý:

      +Việc trao thẻ đoàn viên có thể do các cấp bộ Đoàn tổ chức, nhưng không thay thế Lễ kết nạp đoàn viên của chi đoàn.

      +Trong buổi Lễ kết nạp đoàn viên, tiến hành trao Nghị quyết kết nạp đoàn viên mới (theo mẫu do Trung ương Đoàn phát hành riêng cho năm 2019), Thẻ Đoàn viên và Huy hiệu Đoàn.

          + Về thành phần tham dự lễ kết nạp: đoàn viên đang sinh hoạt trong chi đoàn, thanh niên được kết nạp, cấp ủy chi bộ, lãnh đạo đơn vị công tác, lãnh đạo địa phương, đảng viên lão thành cách mạng và Đoàn cấp trên. Trong quá trình tổ chức lễ kết nạp đoàn viên, tùy vào điều kiện cụ thể của các đơn vị để mời đồng chí trong cấp ủy chi bộ, lãnh đạo địa phương, đơn vị hoặc đảng viên lão thành cách mạng trao Quyết định, Thẻ đoàn viên và Huy hiệu cho đoàn viên mới. Thanh niên được kết nạp có thể mời gia đình, bạn bè cùng tham dự.

- Ban Thường vụ Tỉnh đoàn sẽ ban hành thống nhất mẫu Nghị quyết kết nạp đoàn viên mới “Lớp đoàn viên 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam” theo mẫu của Trung ương Đoàn.

  • - Lớp đoàn viên 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam được triển khai thực hiện trong suốt năm 2020 nhưng tập trung vào 3 đợt cao điểm gắn với các ngày lễ lớn, các sự kiện trọng đại của đất nước, cụ thể như sau:
  • - Đợt 1 (từ 01/02/2020 đến 31/03/2020): Dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2020) và 89 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/03/1931 -26/03/2020).
  • - Đợt 2 (từ 30/04/2020 đến 31/05/2020): Dịp kỷ niệm 45 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2020) và 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 -19/5/2020).
  • - Đợt 3 (từ 19/08/2020 đến 30/09/2020): Dịp kỷ niệm 75 năm ngày Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2020) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 -02/9/2020).

4. Bồi dưỡng đoàn viên sau kết nạp

  • - Tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đoàn viên mới sau khi kết nạp thông qua hoạt động kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, các hoạt động thực tiễn của Đoàn; tổ chức nghiên cứu, học tập các bài học lý luận chính trị (sửa đổi, bổ sung); thông tin thường xuyên cho đoàn viên nắm bắt tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của địa phương, đơn vị, thông tin thời sự trong nước và quốc tế...
  • - Đoàn viên mới kết nạp phải đăng ký thực hiện chương trình rèn luyện đoàn viên. Ban Chấp hành Chi đoàn có trách nhiệm, giao nhiệm vụ cụ thể, phù hợp với điều kiện và sở trường của từng đoàn viên, tiếp tục theo dõi, tạo môi trường để đoàn viên mới rèn luyện và tiếp tục phấn đấu trở thành đoàn viên ưu tú (giao phụ trách phần việc thanh niên hoặc một số nội dung sinh hoạt chi đoàn hàng tháng...).

5. Tổ chức thực hiện

5.1. Tỉnh đoàn

- Giao Ban Tổ chức - Xây dựng đoàn Tỉnh đoàn theo dõi, hướng dẫn các huyện, thị đoàn, đoàn trực thuộc tổ chức thực hiện; tiến hành kiểm tra, đôn đốc và tổng kết công tác thực hiện đợt kết nạp đoàn viên mới “Lớp đoàn viên 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam”.

5.2. Các huyện, thị đoàn và đoàn trực thuộc

-Chỉ đạo triển khai đợt kết nạp đoàn viên mới “Lớp đoàn viên 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam”.

- Phân công cán bộ theo dõi, hướng dẫn, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kết nạp đoàn viên mới “Lớp đoàn viên 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam” của các đơn vị trực thuộc và dự một số lễ kết nạp đoàn viên mới tại Chi đoàn.

- Chuẩn bị nguồn thẻ đoàn viên, sổ đoàn viên, huy hiệu Đoàn…đảm bảo đủ cung cấp cho cơ sở khi kết nạp đoàn.

- Các huyện, thị đoàn và đoàn trực thuộc tổ chức thực hiện và báo cáo định kỳ kết quả kết nạp đoàn viên mới trong báo cáo 6 tháng và báo cáo cuối năm.

Trên đây là Hướng dẫn kết nạp “Lớp đoàn viên 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam”, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đề nghị các huyện, thị đoàn và đoàn trực thuộc thực hiện tốt nội dung Hướng dẫn này.

 

MÔ HÌNH HAY - GƯƠNG ĐIỂN HÌNH

HỌC TẬP VÀ LÀM THEO LỜI BÁC LÀ THỰC HIỆN NHỮNG VIỆC

MANG Ý NGHĨA THIẾT THỰC CHO NHÂN DÂN KHU VỰC BIÊN GIỚI

 

Ở xã biên giới Đắk Wil, huyện Cư Jut, tỉnh Đắk Nông, từ cán bộ địa phương đến bà con trên địa bàn luôn nhắc, nhớ đến Đại úy Nguyễn Văn Dũng, Chính trị viên phó, Bí thư Chi đoàn Đồn Biên phòng Đăk Ken bằng sự tôn trọng và tình cảm thắm thiết. Bởi trong những năm qua, đồng chí Dũng đã có nhiều việc làm thiết thực góp nâng cao đời sống kinh tế - xã hội, tinh thần cho người dân và chính quyền địa phương.

Đồng chí Lâm Thị Thuyến, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đắk Wil cho biết: Gắn bó với địa bàn khi còn là Đội trưởng đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Nậm Na, cho đến khi là chính trị viên phó Đồn Biên phòng Đăk Ken, dù trên cương vị nào đồng chí Dũng cũng luôn gần gũi với bà con nhân dân, chính quyền địa phương. Đồng chí Dũng như chiếc cầu nối gắn kết giữa lực lượng Bộ đội Biên phòng với bà con nhân dân, chính quyền địa phương của xã.

Đại úy Nguyễn Văn Dũng

Thời gian qua, đồng chí đã chỉ đạo đơn vị làm tốt công tác phối hợp với lực lượng đóng quân trên địa bàn tổ chức tuần tra, kiểm soát địa bàn, kiểm tra tạm trú, tạm vắng trên địa bàn được 235 đợt/1.175 lượt người tham gia. Phối hợp với Sở Ngoại vụ tỉnh Đắk Nông tuyên truyền về phân giới cắm mốc được 5 buổi/500 lượt người. Những buổi tuyên truyền có sự tham gia của đồng chí với các phương pháp tuyên truyền gần gũi, thiết thực luôn thu hút đông đảo người dân địa phương tham gia.

Trên cương vị công tác của mình, Đại úy Nguyễn Văn Dũng đã làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy và địa phương trong việc duy trì thực hiện Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 09/01/2015 của Thủ tướng chính phủ “Về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”. Đồng chí tích cực phối hợp với các đoàn thể, chính quyền tuyên truyền, vận động bà con 17 thôn, buôn trên địa bàn xã Đắk Wil với trên 4.500 người dân trong xã cùng tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền địa phương thành lập 17 tổ tự quản an ninh trật tự thôn, buôn với 119 thành viên và được kiện toàn theo từng năm để đảm bảo đúng thành phần và hoạt động thường xuyên.

Cùng với cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đồng chí tham gia thực hiện công tác giúp dân lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo, giúp dân thu hoạch hoa màu được 180 ngày công; thực hiện tốt công tác “Đền ơn, đáp nghĩa”, phong trào Tết vì người nghèo, với nhiều suất quà tặng các hộ nghèo và cận nghèo. Đã tham mưu cho cấp ủy, ban chỉ huy đồn trong thực hiện chương trình “Nâng bước em đến trường” lựa chọn 2 học sinh nghèo vượt khó ở địa bàn xã Đăk Wil và 1 em ở địa bàn ngoại biên (phía Campuchia) với 500.000 đồng/tháng/học sinh. Phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đắk Nông trao tặng 10 chiếc xe đạp cho học sinh nghèo vượt khó, trị giá 10.000.000 đồng, giúp các em đến trường được thuận lợi. Tham mưu Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tặng 4 cặp bò cho 4 gia đình hộ nghèo của xã trong Chương trình “Biên giới khúc tình ca”. Tham mưu cho cấp trên trong lựa chọn đề xuất tặng 12 con bò trong chương trình "Bò giống cho người nghèo nơi biên giới” cho các hộ nghèo để phát triển kinh tế. Ngoài ra, cùng với Ban chỉ huy 2 Đồn Biên phòng Nậm Na, Đắk Ken đã xây dựng mô hình “Bò sinh sản”, với 3 con bò giống, đến nay đã sinh được 8 con bê; mô hình “Nuôi cá nước ngọt” với hai hộ dân tại thôn 9 góp phần xóa đói giảm nghèo trong địa bàn xã...

Công tác gắn bó mật thiết với nhân dân trên tuyến biên giới bằng tình cảm chân thành và những việc làm thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, Đại úy Dũng đã được người dân xã Đắk Wil xem như người con của xã.  Anh Đào Văn Đanh, thôn 4, xã Đăk Wil, xúc động chia sẻ: Hoàn cảnh gia đình tôi hết sức khó khăn, thiếu đất canh tác, vốn làm ăn, tuy nhiên khi thông qua cán bộ Dũng, được Bộ đội Biên phòng trao tặng 1 con bò giống đã giúp gia đình chúng tôi có thêm cơ hội để tăng thu nhập. Hiện từ con bò mẹ đã sinh được 3 con bê. Gia đình chúng tôi xem cán bộ Dũng như người thân trong nhà.

Đồng chí Nguyễn Đức Phong, Ủy viên ban thường vụ, Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Nông chia sẻ: Là Chính trị viên phó, Bí thư chi đoàn của Đồn, đồng chí Dũng luôn đi đầu trong các hoạt động phong trào do đơn vị phát động; phát huy hiệu quả vai trò trách nhiệm của người đảng viên, xung kích của tuổi trẻ. Đồng chí xứng đáng là tấm gương sáng về học tập và làm theo lời Bác của Bộ đội Biên phòng tỉnh.

Đồng chí Đại úy Nguyễn Văn Dũng - Bí thư Chi đoàn Đồn biên phòng Đăk Ken được Tỉnh đoàn tuyên dương điển hình tiên tiến làm theo lời Bác, giai đoạn 2016 - 2019. Năm 2018, Đại úy Nguyễn Văn Dũng được Tỉnh ủy Đăk Nông Tuyên dương và Tỉnh đoàn Đăk Nông tặng Bằng khen là điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2018; được Trung ương Đoàn tặng giải thưởng Lý Tự Trọng dành cho cán bộ đoàn có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn, hai năm liền là chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, ngoài ra đồng chí còn được ghi nhận, khen thưởng ở nhiều cấp khác nhau.

 

CẨM NANG 10 CÂU HỎI ĐÁP

ĐỂ CHỦ ĐỘNG PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH

VIÊM ĐƯỜNG HÔ HẤP CẤP DO VIRUS CORONA MỚI (2019-nCoV)

Hãy share/chia sẻ thông tin đến cộng đồng và những người xung quanh để có đầy đủ thông tin hiểu biết và phòng ngừa dịch bệnh nhé.

Câu hỏi 1: Corona virus 2019 là gì ?

Trả lời: Coronavirus 2019 (2019-nCoV) là một loại virus đường hô hấp mới gây bệnh viêm đường hô hấp cấp ở người và cho thấy có sự lây lan từ người sang người. Virus này được xác định trong một cuộc điều tra ổ dịch bắt nguồn từ khu chợ lớn chuyên bán hải sản và động vật ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. 2019-nCoV là chủng virus mới chưa được xác định trước đó. Ngoài chủng coronavirus mới phát hiện này, đã có 6 chủng coronavirus khác được biết tới ngày nay có khả năng lây nhiễm ở người.

💡Câu hỏi 2: NGUỒN GỐC CỦA 2019-nCoV TỪ ĐÂU?

Trả lời: Các cơ quan y tế và đối tác y tế đang nỗ lực để xác định nguồn gốc của 2019-nCoV. Virus corona là một betacoronavirus, giống như MERS và SAR, tất cả đều có nguồn gốc từ vật chủ từ loài dơi. Virus corona là một họ virus lớn, phổ biến ở nhiều loài động vật khác nhau bao gồm lạc đà, mèo và dơi. Phân tích cây di truyền của virus này đang được tiếp tục để biết nguồn gốc cụ thể của virus. SARS, một loại coronavirus khác xuất hiện lây nhiễm cho người, bắt nguồn loài từ cầy hương, trong khi MERS, một loại coronavirus khác lây nhiễm cho người, bắt nguồn từ lạc đà.

💡Câu hỏi 3: CƠ CHẾ 2019-nCoV LÂY LAN NHƯ THẾ NÀO?

Trả lời: Vi-rút này ban đầu xuất hiện từ nguồn động vật nhưng có khả năng lây lan từ người sang người. Điều quan trọng cần lưu ý là sự lây lan từ người sang người có thể xảy ra liên tục. Ở người, virus lây từ người này sang người kia thông qua tiếp xúc với dịch cơ thể của người bệnh. Tùy thuộc vào mức độ lây lan của chủng virus, việc ho, hắt hơi hay bắt tay có thể khiến người xung quanh bị phơi nhiễm.

Virus cũng có thể bị lây từ việc ai đó chạm tay vào một vật mà người bệnh chạm vào, sau đó đưa lên miệng, mũi, mắt họ. Những người chăm sóc bệnh nhân cũng có thể bị phơi nhiễm virus khi xử lý các chất thải của người bệnh.

💡Câu hỏi 4: 2019-nCoV CÓ GIỐNG VỚI VI RÚT MERS-CoV HOẶC SARS KHÔNG?

Trả lời: Không. Coronavirus là một họ virus lớn, một số virus gây bệnh ở người và virus lây truyền giữa các loài động vật, bao gồm lạc đà, mèo và dơi. 2019-nCoV mới xuất hiện gần đây không giống với coronavirus gây ra Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) hoặc coronavirus gây ra Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS). Tuy nhiên, các phân tích di truyền cho thấy virus này xuất hiện từ một loại virus liên quan đến SARS. Hiện nay, những cuộc điều tra đang diễn ra để tìm hiểu thêm.

CÁCH PHÒNG NGỪA BỆNH

💡Câu hỏi 5: LÀM THẾ NÀO GIÚP TÔI CÓ THỂ BẢO VỆ BẢN THÂN?

Trả lời: Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng chủ động thực hiện tốt các biện pháp sau:

- Tránh đi lại, du lịch nếu đang có sốt, ho hoặc khó thở. Đến ngay cơ sở y tế khi có triệu chứng nghi ngờ. Đồng thời, chia sẻ lịch trình di chuyển của bạn với nhân viên y tế.

- Tránh tiếp xúc với người bị sốt, ho. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng.

- Khi ho, hắt hơi hãy che kín miệng và mũi bằng khăn giấy hoặc tay áo. Sau khi sử dụng khăn giấy bỏ vào thùng rác rồi rửa tay sạch sẽ.

- Nếu thấy có dấu hiệu ốm khi đi lại, du lịch cần thông báo ngay cho nhân viên hàng không, đường sắt, ô tô và tìm đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt.

- Chỉ sử dụng các loại thực phẩm chín.

- Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng. Tránh tiếp xúc gần với các động vật nuôi hoặc hoang dã.

- Đeo khẩu trang khi đi đến chỗ đông người hoặc khi tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh.

  • Những người từ Trung Quốc trở về

- Những người từ Trung Quốc trở về Việt Nam cần tự cách ly tại nhà và theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày. Cần khai báo với cơ quan sở tại nơi gần nhất để được hỗ trợ khi cần thiết.

- Nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở phải đeo khẩu trang bảo vệ, thông báo ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời. Khi đến cần gọi điện trước để thông tin về các triệu chứng và lịch trình đã di chuyển trong thời gian gần đây để có biện pháp hỗ trợ.

  • Những người đến Trung Quốc

- Nếu không có việc cần thiết hoặc công việc đột xuất, không nên đến Trung Quốc trong dịp này.

- Trường hợp bắt buộc, phải hạn chế ra khỏi nhà, thường xuyên áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

- Nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở phải đeo khẩu trang, thông báo ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời. Khi đến cần gọi điện trước để thông tin về các triệu chứng và lịch trình đã di chuyển trong thời gian gần đây để có biện pháp hỗ trợ.

💡Câu hỏi 6: TÔI PHẢI LÀM GÌ KHI CÓ LỊCH TRÌNH ĐI LẠI, DU LỊCH?

Trả lời:

1. Tránh đi lại, du lịch nếu bạn đang có các triệu chứng sốt, ho hoặc khó thở

- Cần đến ngay cơ sở y tế khi có các triệu chứng kể trên.

- Hãy chia sẻ lịch trình di chuyển của bạn với nhân viên y tế.

2. Một số lưu ý để phòng, chống lây nhiễm nCoV

- Tránh tiếp xúc quá gần với người bị sốt hay bị ho.

- Rửa sạch tay thường xuyên với xà phòng và nước sạch; hoặc các loại nước rửa tay có chứa cồn.

- Tránh chạm tay vào mắt, mũi hay miệng

3. Sử dụng khẩu trang y tế đúng cách

- Khi ho hay hắt hơi, hãy che kín miệng và mũi bằng khăn giấy hoặc tay áo. Sau khi sử dụng khăn giấy, vứt khăn giấy vào thùng rác. Rửa sạch tay ngay lập tức.

- Khi sử dụng khẩu trang, hãy chắc chắn rằng khẩu trang che kín miệng và mũi và tránh chạm vào khẩu trang khi đang sử dụng.

- Nếu sử dụng các loại khẩu trang dùng 1 lần, sau khi sử dụng cần loại bỏ ngay lập tức vào thùng rác và rửa sạch tay sau khi bỏ khẩu trang.

4. Chủ động tìm đến cơ sở y tế nếu bạn bị ốm

- Nếu cảm thấy có dấu hiệu ốm khi đi lại, du lịch cần thông báo ngay cho nhân viên hàng không, đường sắt hoặc ô tô và tìm đến chăm sóc y tế càng sớm càng tốt

- Hãy chia sẻ lịch trình di chuyển của bạn với nhân viên y tế

5. Lưu ý quan trọng để phòng, chống lây nhiễm nCoV

- Chỉ sử dụng các loại thực phẩm được nấu chín và đảm bảo an toàn thực phẩm

- Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng

- Tránh tiếp xúc quá gần với các loại động vật nuôi hoặc hoang dã, dù là động vật sống, bị ốm hay đã chết.

💡Câu hỏi 7: TÔI CÓ THỂ LIÊN HỆ THÔNG BÁO THÔNG TIN BẰNG CÁCH NÀO?

Trả lời: Bộ Y tế công bố số điện thoại đường dây nóng cung cấp thông tin về bệnh Viêm đường hô hấp cấp do nCoV 2019: 19003228.

Hoặc có thể liên hệ trực tiếp qua các đường dây nóng của các cơ sở y tế tại địa phương.

THÔNG TIN VỀ BỆNH

💡Câu hỏi 8: NHỮNG TRIỆU CHỨNG VÀ BIẾN CHỨNG 2019-nCoV CÓ THỂ GÂY RA LÀ GÌ?

Trả lời: Theo báo cáo ở bệnh nhân mắc 2019-nCoV từ nhẹ đến nặng bao gồm các triệu: sốt, ho và khó thở. Các triệu chứng này có thể xuất hiện từ 2 đến 14 ngày sau khi tiếp xúc nguồn bệnh. Tới khi khởi phát, nCOV có thể diễn biến đến viêm phổi nặng, suy hô hấp tiến triển và tử vong, đặc biệt ở những người có bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch.

💡Câu hỏi 9: LÀM THẾ NÀO ĐỂ KIỂM TRA MỘT NGƯỜI CÓ NHIỄM 2019-nCoV HAY KHÔNG?

Trả lời: Tại thời điểm này, các kiểm tra chẩn đoán chính xác 2019-nCoV chỉ có thể được tiến hành tại các cơ sở y tế được phép thực hiện xét nghiệm. Kỹ thuật xác định chủng 2019-nCov đó là kỹ thuật Real time RT - PCR với bệnh phẩm là dịch đường hô hấp, đờm, dịch nội khí quản được thu thập bằng tăm bông và bảo quản trong môi trường phù hợp. Trong trường hợp người mới nghi nhiễm virus Corona, các cơ sở y tế sẽ làm thủ tục lưu mẫu máu để chuyển đến các đơn vị được Bộ Y tế cho phép khẳng định.

Ngày 28/1/2020, Bộ Y tế đã có văn bản 362/BYT-KCB gửi Bệnh viện, Sở Y tế, y tế các bộ, ngành thực hiện việc tiếp nhận, thu dung, điều trị và quản lý người nghi ngờ mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do chủng mới của virus Corona với phân tuyến khu vực cho các Bệnh viện, Viện cụ thể. Xem thêm chi tiết tại: http://soytecaobang.gov.vn/Default.aspx

💡Câu hỏi 10: CÁC CHUYÊN GIA Y TẾ CHĂM SÓC SỨC KHOẺ VÀ CÁC CƠ SỞ Y TẾ CẦN LÀM GÌ?

Trả lời: Về nguyên tắc điều trị bệnh, các ca bệnh nghi ngờ đều phải được khám ở khu riêng tại bệnh viện, được lấy bệnh phẩm đúng cách để làm xét nghiệm đặc hiệu để chẩn đoán xác định bệnh. Ca bệnh cần nhập viện theo dõi và cách ly hoàn toàn. Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh vì vậy chủ yếu điều trị triệu chứng, phát hiện và xử trí kịp thời tình trạng suy hô hấp, suy thận và các tạng khác (nếu có).

Ngày 16/1/2020, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 125/QĐ-BYT về việc ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh viêm phổi cấp do chủng vi rút Corona mới (nCoV) cho tất cả các cơ sở y tế trên toàn quốc. Xem thêm chi tiết tại: https://emoh.moh.gov.vn/publish/home?documentId=7773


Nguồn: Cổng thông tin Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

Video

http://doanthanhnien.vn/tin-tuc/phong-chong-tac-hai-cua-thuoc-la

Liên kết website

Thống kê

Đang có 6 khách và không thành viên đang online

porno peliculasXXX porno phim-sex