TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI ĐOÀN THÁNG 11/2018
TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI ĐOÀN THÁNG 11/2018

Ngày Đăng: 15/11/2018, Lượt Xem: 2233

HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG,

 ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

 

CHUYÊN ĐỀ

RÈN LUYỆN TÁC PHONG CÁN BỘ ĐOÀN SÁNG TẠO, TRÁCH NHIỆM, TIÊN PHONG, GƯƠNG MẪU, SÂU SÁT CƠ SỞ

THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

(Tài liệu dành cho cán bộ đoàn năm 2018,

ban hành kèm theo Công văn số 724 -CV/TWĐTN-BTG ngày 14/5/2018

của Ban Bí thư Trung ương Đoàn)

----------

 

Trước Đại hội VII (tháng 6-1991), Đảng ta thường dùng khái niệm “tác phong” để nói về “tác phong Hồ Chủ tịch”. “Tác phong” được hiểu là phong cách làm việc và phong cách công tác của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ Đại hội VII, “tác phong” được thay bằng “phong cách” trong cụm từ “Tiếp tục bồi dưỡng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ta những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, những giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”[1]. Từ đây, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thường được nói liền với nhau, thể hiện những giá trị to lớn, nổi bật của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Phong cách theo nghĩa rộng là những lề lối, cung cách, cách thức hành xử của một người hay một lớp người, được thể hiện nhất quán trong lao động, học tập, sinh hoạt, … tạo nên cái riêng của họ, phân biệt họ với những người khác. Phong cách hình thành trên cơ sở những yếu tố về tư tưởng, đạo đức, lối sống, tài năng, sở trường, khí chất… Phong cách còn chịu ảnh hưởng của nghề nghiệp, tạo nên những thói quen của mỗi người, có phong cách nhà giáo, phong cách nghệ sĩ, phong cách quân nhân, phong cách lãnh đạo…

Nói đến phong cách Hồ Chí Minh là nói đến những đặc trưng giá trị, mang đậm dấu ấn Hồ Chí Minh. Phong cách Hồ Chí Minh gắn liền với tư tưởng, đạo đức, lối sống, mục đích sống của Hồ Chí Minh, mang tính dân tộc, hiện đại, khoa học, cách mạng, cao cả và thiết thực, thể hiện của một nhân cách lớn, siêu việt, một trí tuệ lỗi lạc, đạo đức trong sáng, nhân văn của nhà văn hóa kiệt xuất của dân tộc Việt Nam và thế giới. Phong cách Hồ Chí Minh được thể hiện trong mọi lĩnh vực sống và hoạt động của Người, tạo thành một chỉnh thể nhất quán, có giá trị khoa hoc, đạo đức, thẩm mỹ; là tấm gương sáng cho mọi người, mọi thế hệ người Việt Nam, trong đó có cán bộ đoàn học tập và làm theo.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của đội ngũ cán bộ. Người coi “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”[2], “cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy”[3] “cán bộ là tiền vốn của Đoàn thể”[4] và đi đến kết luận: “Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Vì thế, Người rất quan tâm đến xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng, trong đó có xây dựng, rèn luyện phong cách, tác phong công tác. Thực hiện có hiệu quả nói đi đôi với làm, góp phần xây dựng phong cách làm việc của cán bộ đoàn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế hiện nay, các cấp bộ đoàn và cán bộ đoàn cần học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhằm xây dựng tác phong, lề lối cán bộ đoàn, cụ thể như sau:

  1. Xây dựng phong cách làm việc khoa học, dân chủ, gần gũi

1.1. Phong cách làm việc khoa học

Do Việt Nam vốn truyền thống là một nước nông nghiệp lạc hậu nên tác phong làm việc không khoa học đã có lúc ăn sâu vào mỗi người, với các biểu hiện như: tính tùy tiện, luộm thuộm, không đúng thời gian, lề mề, không thiết thực, trì trệ, thiếu kế hoạch, được chăng hay chớ, hời hợt, không nghiên cứu tình hình đến nơi đến chốn, chỉ chú trọng hình thức mà không chú trọng thực chất nội dung, thiếu tầm nhìn xa trông rộng, chỉ thấy trước mắt mà không thấy lâu dài…

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vượt lên những hạn chế ấy để có phong cách làm việc khoa học. Sở dĩ như vậy là vì Người tự rèn luyện một cách bền bỉ, thường xuyên trong suốt cả cuộc đời hoạt động của mình từ khi còn thuở thiếu niên cho đến những năm tháng cuối đời, bất kể ở hoàn cảnh nào, trên cương vị nào. Do vậy, cán bộ đoàn rất cần phấn đấu, rèn luyện, học tập ở Bác để có được tác phong, lề lối làm việc khoa học, tập trung vào những vấn đề cốt lõi như:

- Có kế hoạch làm việc rõ ràng. Kế hoạch này là kết quả của việc điều tra, nghiên cứu tình hình một cách cẩn thận, cụ thể, do vậy nó rất thiết thực, không viển vông, không to tát quá sức bản thân và quá điều kiện cho phép. Nắm tình hình sâu sát là một việc làm không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của người cán bộ đoàn. Nếu không điều tra, nghiên cứu cụ thể thì rất dễ dẫn đến một kế hoạch không đúng. Phải sử dụng bộ máy tổ chức và tự mình trực tiếp nắm tình hình hoặc qua rất nhiều kênh khác nhau để hiểu rõ, hiểu chính xác tình hình.

- Có tinh thần quyết tâm thực hiện kế hoạch. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở mọi người rằng, kế hoạch 10 phần thì quyết tâm thực hiện phải 30 phần; rằng, quyết tâm không phải là ở hội trường mà là thể hiện bằng hành động thực tế. Trong một ngày, một tháng làm việc, vì nhiều lý do, có khi một số phần việc Chủ tịch Hồ Chí Minh làm chưa xong thì ngày hôm sau, tháng sau Người quyết tâm làm bù cho bằng xong. Đó là tinh thần kiên cường, kiên trì, kiên quyết, kiên nhẫn. Điều này còn thể hiện ở phong cách làm việc đúng giờ của Người. Nhờ có tác phong này mà nhiều người xung quanh đều thấy lúc nào và ở đâu Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng làm chủ tình hình, làm chủ bản thân mình, ở sự thanh thản, thư thái, giờ nào việc ấy, bình tĩnh, không quýnh lên, không bỏ sót công việc, không chọn việc dễ bỏ việc khó. Người vẫn tập thể dục và chơi thể thao hằng ngày, tham gia lao động chân tay sau giờ làm việc bàn giấy, sau giờ họp, không bị sa lầy vào công việc như một số người hay mắc phải do tác phong làm việc không khoa học, do lúc nào cũng thấy bị thiếu thời gian và không có thì giờ đâu mà tập thể dục chơi thể thao, tham quan, du lịch…

- Phải làm việc với phong cách tỷ mỉ, cụ thể, thiết thực, không hình thức và phải chú ý kiểm tra xem công việc tiến hành như thế nào. Phải tránh làm qua loa, đại khái, không kịp thời, “trong lúc thi hành phải theo dõi… khi thi hành xong phải… kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm”[5]. Phải sâu sát, tỷ mỉ, “phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh… Phải thật thà nhúng tay vào việc”[6].

- Khi tổng kết rút kinh nghiệm thì chú ý không báo cáo sai sự thật. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần phê bình cách làm này, cách làm kiểu được ít xuýt ra nhiều, viết ra một bản báo cáo cho oai, nhưng thực ra thì rỗng tuếch. Người cho việc làm đó là dối trá, có tội với cách mạng, là một bệnh rất nguy hiểm.

1.2. Phong cách làm việc dân chủ

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, phong cách dân chủ hay “cách làm việc dân chủ” là phong cách hàng đầu mà người cán bộ cần phải có. Người chỉ rõ: Đảng ta thực hiện nguyên tắc “tập trung dân chủ” và “chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do”[7]. Vì thế, người cán bộ, đảng viên phải tạo ra được không khí dân chủ thực sự trong nội bộ bằng cách thành tâm lắng nghe và khơi gợi cho cán bộ, đảng viên, quần chúng, cấp dưới nói hết quan điểm, ý kiến của mình. Được như vậy thì cấp dưới và quần chúng mới hăng hái đề ra sáng kiến. Những sáng kiến đó được coi trọng, được khen ngợi thì những người đó càng thêm hăng hái làm việc. Phong cách dân chủ của người cán bộ không chỉ khơi nguồn sáng tạo, phát huy tinh thần cống hiến của cấp dưới và quần chúng nhân dân mà còn làm cho tổ chức cơ quan, đoàn thể thêm gắn bó, “học hỏi sáng kiến của quần chúng để lãnh đạo quần chúng”[8].

Cán bộ không bao giờ được “độc tôn chân lý”, phải thành thực lắng nghe ý kiến phê bình của cấp dưới và nghiêm túc sửa mình với tinh thần cầu thị. Làm như vậy thì chắc chắn người cán bộ sẽ được nhân dân yêu mến, cấp dưới nể trọng, sẵn sàng đóng góp sáng kiến. Nói về sức mạnh của dân chủ, Hồ Chí Minh từng nói: “thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn”[9]. Nếu người cán bộ không có phong cách dân chủ hoặc “Miệng thì nói dân chủ, nhưng làm việc thì họ theo lối “quan chủ” là họ tự tước đi của mình vũ khí hữu hiệu nhất để hoàn thành nhiệm vụ. Khi đó, dù có “đầy túi quần thông cáo, đầy túi áo chỉ thị” mà công việc vẫn không chạy”[10].

Vì thế, phong cách làm việc dân chủ của người cán bộ đoàn trước hết là tôn trọng và tuân thủ nguyên tắc sinh hoạt của tổ chức Đoàn. Người cán bộ chủ trì, chủ tọa các cuộc sinh hoạt của tổ chức Đoàn, luôn phải thực sự dân chủ để phát huy sức mạnh tập thể, khơi dậy và tiếp thu ý kiến đóng góp chính đáng của đoàn viên, thanh niên; khắc phục được một số biểu hiện thờ ơ chính trị của đoàn viên, thanh niên. Phải tôn trọng tập thể, phát huy tinh thần dân chủ, thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách, “trong lúc thảo luận, mọi người được hoàn toàn tự do phát biểu ý kiến, dù đúng hoặc không đúng” [11]. Tự phê bình và phê bình là những hành vi thể hiện phong cách làm việc dân chủ của người cán bộ đoàn. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng đến tự phê bình và phê bình trên tinh thần thẳng thắn, trung thực, “ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt” [12] để đạt mục đích “làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nẩy nở như hoa mùa Xuân và phần xấu bị mất dần đi” [13], “mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ”[14].

Người cán bộ đoàn học tập phong cách làm việc dân chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh khác với kiểu “ba anh thợ giày bằng một Gia Cát Lượng”. Làm việc dân chủ phải dựa trên tinh thần trách nhiệm cao của mỗi người; dân chủ phải dựa trên cái nền công khai, minh bạch. Dân chủ đi liền với tự do. Tự do là sự nhận thức và hành động theo cái tất yếu. Cái tất yếu về bản chất là quy luật khách quan. Không thể chấp nhận cái gọi là tự do, dân chủ của người này mà xâm phạm đến quyền tự do, dân chủ thực sự của người khác. Cũng không thể chấp nhận cái gọi là tự do khi muốn hành động như thế nào là tùy thích và điều đó dẫn tới hành động trái quy luật. Như vậy không có tự do “tuyệt đối” theo kiểu đó, và cũng không thể có dân chủ mà không có những chế định của quy tắc. Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng “không được nói gàn, nói vòng quanh… chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc”[15]. Chủ tịch Hồ Chí Minh phê bình những cán bộ không chịu thực hiện tự phê bình và phê bình. Người phê bình khuyết điểm thường thấy là không khuyến khích những người trong tổ chức nói hết ý kiến của họ, dẫn tới tình trạng “đối với cơ quan lãnh đạo, đối với những người làm lãnh đạo, các đảng viên và các cán bộ dù có ý kiến cũng không dám nói, dù muốn phê bình cũng sợ, không dám phê bình. Thành thử cấp trên với cấp dưới cách biệt nhau. Quần chúng với Đảng rời xa nhau. Trên thì tưởng cái gì cũng tốt đẹp. Dưới thì có gì không dám nói ra. Họ không nói, không phải vì họ không có ý kiến, nhưng vì họ nghĩ nói ra cấp trên cũng không nghe, không xét, có khi lại bị “trù” là khác. Họ không dám nói ra thì họ cứ để trong lòng, rồi sinh ra uất ức, chán nản. Rồi sinh ra thói “không nói trước mặt, chỉ nói sau lưng”, “trong Đảng im tiếng, ngoài Đảng nhiều mồm”, sinh ra thói “thậm thà thậm thụt” và những thói xấu khác” [16]. Đó là những lời “gan ruột” của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà người cán bộ đoàn hoàn toàn có thể vận dụng vào thực tế xây dựng tác phong, lề lối công tác, làm việc của mình.

1.3. Phong cách làm việc gần gũi quần chúng

Hồ Chí Minh yêu cầu người cán bộ nói chung phải có phong cách làm việc quần chúng, xuất phát từ vấn đề có tính nguyên tắc về vai trò của quần chúng nhân dân: “Dễ mười lần không dân cũng chịu. Khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Người cán bộ phải thường xuyên đi xuống cơ sở mà mình phụ trách, tìm hiểu thực trạng đời sống, tâm tư, nguyện vọng của quần chúng. Người khẳng định: nếu “cách xa dân chúng, không liên lạc chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại”[17]. Tuy nhiên, phong cách quần chúng không có nghĩa là “theo đuôi quần chúng”, vì theo Hồ Chí Minh, “trong dân chúng, có nhiều tầng lớp khác nhau, trình độ khác nhau, ý kiến khác nhau”[18]. Người cán bộ phải có bản lĩnh vững vàng để vừa nâng cao trình độ giác ngộ, dân trí của quần chúng, tạo ra sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của một bộ phận quần chúng “chậm tiến”, thực hiện tốt vai trò lãnh đạo của mình.

Phong cách quần chúng là phải biết cách tổ chức phong trào phù hợp với trình độ, năng lực thực tế của quần chúng, không chủ quan, duy ý chí, áp đặt thực tiễn theo ý mình. Người khẳng định: “cách làm việc, cách tổ chức, nói chuyện, tuyên truyền, khẩu hiệu, viết báo, v.v. của chúng ta, đều phải lấy câu này làm khuôn phép: “Từ trong quần chúng ra. Về sâu trong quần chúng”[19], “dựa vào lực lượng quần chúng, học hỏi sáng kiến của quần chúng để lãnh đạo quần chúng”[20]. Người cán bộ phải giản dị, hòa đồng với quần chúng, không cho phép mình hưởng điều gì có tính chất “đặc quyền, đặc lợi”. Người cảnh tỉnh những suy nghĩ lệch lạc trong cán bộ, rằng “phải ăn mặc bảnh mới giữ được oai tín, giữ được thể diện”[21]. Khi người cán bộ thấm nhuần phong cách quần chúng, họ sẽ được quần chúng nhân dân yêu thương, tin cậy, ủng hộ và khi đó, việc gì họ làm cũng thành công.

Phong cách làm việc gần gũi quần chúng của Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất phát từ mục đích hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam và xuất phát từ tư cách của một đảng viên Cộng sản, tư cách của một người cách mạng. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là một tổ chức có cùng mục đích với Đảng nên cũng yêu cầu cán bộ đoàn phải có tác phong, lề lối làm việc gần gũi quần chúng. Cần nhấn mạnh mấy điểm sau đây:

- “Quần chúng” ở đây được hiểu là nhân dân Việt Nam, phạm vi hẹp trong công tác đoàn là đông đảo thanh thiếu nhi Việt Nam.

- Cán bộ đoàn phải có tác phong, lề lối làm việc gần gũi với mọi người, trước hết với đội ngũ thanh niên nơi mình cư trú và công tác. Có như vậy mới hiểu sâu sát đời sống, tâm tư nguyện vọng của họ, để cùng với toàn Đoàn hoạt động vì lợi ích của thanh thiếu nhi.

- Cán bộ đoàn phải tăng cường nắm bắt tình hình thực tiễn cơ sở. Thực hiện hiệu quả chủ trương “1 + 2”, cán bộ đoàn cấp trung ương và cấp tỉnh 1 năm tối thiểu có 2 tháng công tác tại cơ sở.

 

THEO DÒNG LỊCH SỬ -  NGÀY NÀY NĂM ẤY

 

- 07/11/1917: Kỷ niệm Cách mạng Tháng 10 Nga.

- 09/11/1946: Quốc hội khóa I kỳ họp thứ hai thông qua Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

- 15/11/1923: Kỷ niệm ngày sinh của nhạc sĩ Văn Cao (tác giả Quốc Ca).

- 18/11/1930: Kỷ niệm Ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam.

- 20/11/1982: Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam.

- 23/11/1940: Kỷ niệm Ngày Khởi nghĩa Nam kỳ.

- 23/11/1946: Kỷ niệm Ngày thành lập Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam.

 

LỊCH SỬ NGÀY THÀNH LẬP MẶT TRẬN

DÂN TỘC THỐNG NHẤT VIỆT NAM

 

Ngày 18/11/1930, Mặt trận thống nhất Việt Nam ra đời, do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập. Trải qua 88 năm với nhiều hình thức tổ chức và tên gọi khác nhau, Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam đều đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của mỗi thời kỳ và có những cống hiến xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng nước nhà. Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam đã phát huy truyền thống đoàn kết quý báu của dân tộc ta, nhân lên gấp bội lần tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam, tập hợp mọi tầng lớp xã hội trong và ngoài nước thành một lực lượng hùng mạnh, góp phần đánh đuổi bọn thực dân, đế quốc, giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc Việt Nam.

Kế thừa truyền thống của Hội phản đế Đồng minh (1930 - 1936) và Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936 - 1939), Mặt trận Việt Minh (1940 - 1945) đã tập hợp đoàn kết, vận động toàn dân tộc nổi dậy, góp phần làm Cách mạng Tháng tám thành công, lập nên Nhà nước Dân chủ Nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Đoàn kết trong Mặt trận Liên Việt (1947 - 1954) là một trong những yếu tố đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi. Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp (1960 - 1977), ở miền Bắc có Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ở miền Nam có Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam là Liên minh các lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hòa bình Việt Nam đã đoàn kết nhân dân, góp phần làm nhiệm vụ lịch sử vẻ vang giải phóng miền Nam, hoàn thành các cuộc Cách mạng Dân tộc Dân chủ, thống nhất đất nước. Sau đại thắng mùa Xuân 1975, ngày 31/01 đến 04/02/1977, các Tổ chức Mặt trận hai miền tiến hành Đại hội lần thứ I, thành lập ra Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Từ ngày nước nhà thống nhất, cả nước đi lên xây dựng Chủ nghĩa xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã động viên nhân dân tăng cường đoàn kết, góp phần giành nhiều thành tựu to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đưa đất nước chuyển sang thời kỳ phát triển mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

Hiện nay, trong xu thế hội nhập khu vực và thế giới, nước ta đang có nhiều thời cơ thuận lợi, nhưng cũng còn không ít khó khăn và thách thức, đặc biệt là âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch tìm cách chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, nhằm giảm sức mạnh quần chúng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Cho nên, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam rất quan trọng trong sự nghiệp giữ gìn và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Mặt trận là cầu nối giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước, là một Liên minh chính trị rộng rãi, quy tụ khối đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra”.

Những năm qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã và đang tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, các cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, vì người nghèo, v.v… đều nhận được sự đồng thuận cao trong xã hội. Đồng thời, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng tích cực tham gia cứu trợ đồng bào bị thiên tai lũ lụt, tương thân tương ái giúp nhau phát triển kinh tế… và nhiều việc làm từ thiện khác. Mặt trận cùng các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội đã thể hiện ngày càng tốt hơn vai trò giám sát, phản biện xã hội, tập hợp ý chí nguyện vọng của tầng lớp nhân dân, đóng góp về xây dựng Đảng và Chính quyền các cấp, phòng chống tham nhũng và các tệ nạn xã hội,…

                                                   Nguồn: www.quan11.hochiminhcity.gov.vn

 

LỊCH SỬ, Ý NGHĨA NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11

 

Nguồn gốc của ngày lễ hiến chương nhà giáo Việt Nam:

Tháng 01/1946, một tổ chức quốc tế các nhà giáo tiến bộ được thành lập ở Paris (thủ đô nước Pháp) lấy tên là FISE (Féderation International Syndicale des Enseignants - Liên hiệp quốc tế các Công đoàn Giáo dục). Năm 1949, tại Hội nghị quốc tế Vacsava (Varsovie - Thủ đô của Ba Lan) tổ chức FISE xây dựng một bản "Hiến chương các nhà giáo" gồm 15 chương. Nội dung chủ yếu là đấu tranh chống nền giáo dục tư sản, phong kiến; xây dựng nền giáo dục tiến bộ; bảo vệ những quyền lợi vật chất và tinh thần chính đáng của nghề dạy học và nhà giáo.

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với FISE với mục đích tranh thủ các diễn đàn quốc tế, tố cáo âm mưu tội ác của bọn đế quốc xâm lược đối với nhân dân ta cũng như đối với giáo viên và học sinh. Đồng thời, giới thiệu những thành tích của nền giáo dục cách mạng, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của toàn thể giáo viên trên thế giới đối với cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta.

Mùa xuân năm 1953, Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Nguyễn Khánh Toàn làm trưởng đoàn dự Hội nghị quan trọng kết nạp Công đoàn giáo dục của một số nước vào tổ chức FISE tại Viên (Thủ đô nước Áo), trong đó có Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Chỉ một thời gian ngắn sau khi thành lập (22/7/1951), Công đoàn giáo dục Việt Nam đã được kết nạp là một thành viên của FISE. Từ ngày 26 đến 30/8/1957, tại Thủ đô Vacsava, Hội nghị FISE có 57 nước tham dự, trong đó có Công đoàn giáo dục Việt Nam, quyết định lấy ngày 20 tháng 11 làm ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo.

Lần đầu tiên ngày Quốc tế hiến chương các nhà giáo được tổ chức trên toàn miền Bắc nước ta vào ngày 20/11/1958. Những năm sau đó, ngày lễ 20/11 còn được tổ chức tại các vùng giải phóng ở miền Nam. Hàng năm, kỷ niệm lịch sử ngày 20/11, cơ quan tiểu ban giáo dục thường xuất bản, phát hành một số tập san đặc biệt để cổ vũ tinh thần đấu tranh của giáo viên trong vùng tạm chiếm nói riêng, động viên tinh thần chịu đựng gian khổ hy sinh của anh chị em giáo viên kháng chiến nói chung.

Theo đề nghị của ngành Giáo dục, ngày 28/9/1982 Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 167 - HĐBT về ngày Nhà giáo Việt Nam. Trong đó có điều khoản quy định, lấy ngày 20/11 là ngày Nhà giáo Việt Nam.
Ngày 20/11/1982, là lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam đầu tiên được tiến hành trọng thể trong cả nước ta. Từ đó đến nay, đây là ngày truyền thống của ngành giáo dục để tôn vinh những người làm công tác trồng người.

Ý nghĩa Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11:

Ngày 20/11 là dịp để các thế hệ học trò bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với những người thầy, để mọi ngành, mọi nghề và toàn xã hội chia sẻ niềm vui, tri ân tới những người đã góp công sức và tâm huyết cho sự nghiệp trồng người cao cả, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

                                                                        Nguồn: giaoduc.net.vn

 

SỔ TAY NGHIỆP VỤ

Trong tài liệu sinh hoạt Chi đoàn số 11/2018, chúng tôi tiếp tục gửi đến các bạn đoàn viên thanh niên, tổ chức Đoàn Điều lệ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh khóa XI, nhiệm kỳ 2017 - 2022, cụ thể như sau:

ĐIỀU LỆ

ĐOÀN THANH NIÊN CỘNG SẢN HỒ CHÍ MINH

(Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI

Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thông qua ngày 13/12/2017)

 

Chương IX

KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT

          Điều 31:

  1. Cán bộ, đoàn viên, thanh niên, thiếu nhi, tổ chức Đoàn, Hội, Đội và những tập thể, cá nhân có công trong sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ, trong công tác xây dựng Đoàn, Hội, Đội và phong trào thanh thiếu nhi đều được Đoàn xem xét khen thưởng hoặc đề nghị các cấp chính quyền khen thưởng.
  2. Các hình thức khen thưởng của Đoàn do Ban Thường vụ Trung ương Đoàn quy định.

Điều 32:

  1. Việc thi hành kỷ luật của Đoàn nhằm thống nhất ý chí và hành động, bảo đảm kỷ cương của Đoàn và giáo dục cán bộ, đoàn viên.

Cơ quan lãnh đạo của Đoàn và cán bộ, đoàn viên khi vi phạm kỷ luật phải được xử lý công minh, chính xác, kịp thời và được thông báo công khai.

Việc biểu quyết hình thức kỷ luật đối với cơ quan lãnh đạo của Đoàn, cán bộ đoàn, đoàn viên phải bằng phiếu kín.

  1. Hình thức kỷ luật: Tùy theo mức độ, tính chất vi phạm, khuyết điểm của cán bộ, đoàn viên và cơ quan lãnh đạo của Đoàn mà áp dụng một trong những hình thức kỷ luật sau:

- Đối với cơ quan lãnh đạo của Đoàn: Khiển trách, cảnh cáo, giải tán.

- Đối với cán bộ Đoàn: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ (nế còn là đoàn viên).

- Đối với đoàn viên: Khiển trách, cảnh cáo, khai trừ.

Điều 33: Thẩm quyền thi hành kỷ luật

Những tổ chức có thẩm quyền quyết định gồm:

- Chi đoàn và chi đoàn cơ sở.

- Ban Chấp hành từ Đoàn cơ sở trở lên.

  1. Đối với đoàn viên: Khi vi phạm kỷ luật phải được hội nghị chi đoàn thảo luận và biểu quyết hình thức kỷ luật với sự đồng ý của trên một phần hai (1/2) số đoàn viên có mặt tại hội nghị. Từ hình thức cảnh cáo trở lên do Đoàn cấp trên trực tiếp xét quyết định.
  2. Đối với cán bộ: Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn các cấp khi vi phạm kỷ luật phải được hội nghị Ban Chấp hành cùng cấp thảo luận, biểu quyết hình thức kỷ luật với sự đồng ý của trên một phần hai (1/2) số Ủy viên Ban Chấp hành có mặt tại hội nghị, Đoàn cấp trên trực tiếp xét quyết định.

Đối với Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khi vi phạm kỷ luật phải được hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đoàn thảo luận, biểu quyết hình thức kỷ luật với sự đồng ý của trên một phần hai (1/2) số Ủy viên Ban Chấp hành có mặt tại hội nghị.

  1. Đối với cán bộ không phải là Ủy viên Ban Chấp hành, khi vi phạm kỷ luật thì cấp quản lý và quyết định bổ nhiệm ra quyết định kỷ luật.
  2. Đối với cơ quan lãnh đạo của Đoàn: khi vi phạm kỷ luật phải được hội nghị Ban Chấp hành Đoàn cấp trên trực tiếp thảo luận, biểu quyết hình thức kỷ luật với sự đồng ý của trên một phần hai (1/2) số Ủy viên Ban Chấp hành được triệu tập.

Điều 34:

  1. Trước khi quyết định kỷ luật, tổ chức Đoàn có trách nhiệm nghe cán bộ, đoàn viên hoặc đại diện tổ chức Đoàn bị xem xét kỷ luật trình bày ý kiến.
  2. Mọi hình thức kỷ luật chỉ được công bố và thi hành khi có quyết định chính thức.
  3. Sau khi công bố quyết định kỷ luật, nếu người bị kỷ luật không tán thành thì trong vòng 30 ngày có quyền khiếu nại lên Ban Chấp hành Đoàn cấp trên cho đến Ban Chấp hành Trung ương Đoàn. Trong thời gian chờ đợi trả lời phải chấp hành quyết định kỷ luật.

Điều 35:

Ban Thường vụ Trung ương Đoàn hướng dẫn thực hiện quy trình kỷ luật; hết thời hạn áp dụng hình thức kỷ luật và giới thiệu ứng cử, đề cử, bổ nhiệm vào các chức vụ lãnh đạo Đoàn các cấp đối với cán bộ, đoàn viên bị kỷ luật đã hết thời hạn áp dụng hình thức kỷ luật.

Chương X

ĐOÀN VỚI CÁC TỔ CHỨC HỘI CỦA THANH NIÊN

Điều 36:

Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh giữ vai trò nòng cốt chính trị trong việc xây dựng tổ chức và hoạt động của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam và các thành viên khác của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.

Điều 37:

Ban Chấp hành Đoàn các cấp có trách nhiệm tạo điều kiện để Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam và các thành viên khác của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam thực hiện đúng mục đích, tôn chỉ theo Điều lệ của các tổ chức đó.

Chương XI

ĐOÀN PHỤ TRÁCH ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG

HỒ CHÍ MINH

Điều 38:

Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, hướng dẫn thiếu nhi làm theo 5 điều Bác Hồ dạy và phấn đấu trở thành đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, người công dân tốt của đất nước.

Điều 39:

  1. Tổ chức và hoạt động của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh theo Điều lệ của Đội do Ban Chấp hành Trung ương Đoàn quy định.
  2. Hội đồng Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh ở cấp nào do Ban Chấp hành Đoàn cấp đó lập ra và lãnh đạo.
  3. Ban Chấp hành Đoàn các cấp có trách nhiệm xây dựng tổ chức Đội; lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác thiếu nhi, phối hợp với các cơ quan Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể và tổ chức kinh tế, xã hội chăm lo, tạo điều kiện về cơ sở vật chất và tài chính cho hoạt động của Đội.

 

Chương XII

TÀI CHÍNH

Điều 40:

Tài chính của Đoàn bao gồm ngân sách Nhà nước cấp, đoàn phí và các khoản thu hợp pháp khác. Việc quản lý, sử dụng tài chính của Đoàn phải tuân thủ theo nguyên tắc quản lý tài chính của Nhà nước.

Điều 41: Việc thu nộp Đoàn phí do Ban Thường vụ Trung ương Đoàn quy định. Các cấp bộ Đoàn có trách nhiệm trích nộp Đoàn phí lên Đoàn cấp trên.

 

Chương XIII

CHẤP HÀNH ĐIỀU LỆ ĐOÀN

Điều 42:

  1. Tổ chức Đoàn, cán bộ, đoàn viên phải chấp hành nghiêm chỉnh Điều lệ Đoàn.
  2. Chỉ đại hội hoặc hội nghị đại biểu toàn quốc của Đoàn mới có quyền sửa đổi, bổ sung và thông qua Điều lệ Đoàn.
  3. Ban Thường vụ Trung ương Đoàn có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện Điều lệ Đoàn.

 

Nguồn: doanthanhnien.vn

 

BÀI HÁT THANH NIÊN

Chúng tôi xin gửi đến các bạn đoàn viên thanh niên lời bài hát:

Người Thầy

Nhạc sĩ: Nguyễn Nhất Huy

 

Người thầy vần lặng lẽ đi về sớm trưa 
Từng ngày giọt mồ hôi rơi nhòe trang giấy, 
Để em đến bên bờ ước mơ 
Rồi năm tháng sông dài gió mưa 
Cành hoa trắng vẫn lung linh trong vườn xưa 

Người thầy vẫn lặng lẽ đi về dưới mưa 
Dòng đời từng ngày qua êm đềm trôi mãi 
Chiều trên phố bao người đón đưa 
Dòng sông vắng bây giờ gió mưa 
Còn ai nhớ, ai quên con đò xưa .... 

Dù năm tháng vô tình trôi mãi mãi, 
Có hay bao mùa lá rơi 
Thầy đã đến như muôn ngàn tia nắng, 
Sáng soi bước em trong cuộc đời 
Vẫn nhớ những khi trời mưa rơi 
Vẫn chiếc áo xưa sờn đôi vai 
Thầy vẫn đi, buồn vui lặng lẽ ... 

Dù năm tháng vô tình trôi mãi mãi 
Tóc xanh bây giờ đã phai 
Thầy vẫn đứng bên sân trường năm ấy 
Dõi theo bước em trong cuộc đời 
Dẫu đếm hết sao trời đêm nay 
Dẫu đếm hết lá mùa thu rơi 
Nhưng ngàn năm, làm sao 
em đếm hết công ơn người thầy .... 

 

 

[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb CTQG, HN, 2001.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.5, tr.309.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.5, tr.68.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.356.

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.233.

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.233-234.

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.378.

[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.149.

[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.325.

[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.637.

[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.272.

[12] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.272.

[13] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.672.

[14] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.272.

[15] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.272

[16] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.283.

[17] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.326.

[18] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.336.

[19] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.288.

[20] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.149.

[21] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.241.

Ban TC-KT Tỉnh đoàn (T/h)